Các đánh giá của lịch sử về Trương Bảo Cao Trương_Bảo_Cao

Đánh giá đầu tiên về Trương Bảo Cao là nhà thơ Đỗ Mục (803 - 852) đời nhà Đường Trung Quốc trong tác phẩm Phàn Xuyên Tập. Tác phẩm này Đỗ Mục viết lúc Trương Bảo Cao đang sống, nên nó được xem là gần với sự thực nhất. Đỗ Mục so sánh Trương Bảo Cao với nhân vật Quách Phần Dương, một phụ tá tài ba của An Lộc Sơn. Ông khen ngợi Trương Bảo Cao thông minh, tài trí và là một bậc kiệt xuất của phương Đông. Điều này cho thấy Trương Bảo Cao là người Tân La nổi tiếng và được trọng vọng tại Trung Quốc đời Đường.

Tân Đường Thư khen Trương Bảo Cao là bậc lỗi lạc, giống như quan đại phu Kỳ Hề của đời Tấn và Quách Phần Dương đời Đường.

Kim Boo-sik (Kim Phú Thức) viết trong Tam Quốc Sử Ký rằng nếu không nhờ sử sách của Trung Quốc ghi chép thì người ta sẽ không biết được sự lỗi lạc của tướng Ất Chi Văn Đức (Ulji Moon-deok) và Trương Bảo Cao (Jang Bogo).

Giáo sư Edwin O. Reichauer của Đại học Harvard University, từng làm Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, đã gọi Trương Bảo Cao là "ông vua kinh doanh của vương quốc thương mại đường biển" (The Trade Prince of the Maritime Commercial Empire).

Gần đây giới trí thức của Hàn Quốc cho rằng hầu hết các quốc gia hùng cường trong lịch sử thế giới đều là các nước mạnh về hàng hải và khống chế được đại dương. Trương Bảo Cao được đánh giá lại là người tiền phong đã nhìn thấy tầm quan trọng của thương mại bằng đường biển.

Giáo sư Kim Sang-gi (Kim Tường Cơ) của Hàn Quốc ca ngợi Trương Bảo Cao là người tạo lập vương quốc biển và chứng thực câu nói danh tiếng: "Ai khống chế được biển thì sẽ khống chế được thế giới."